Lịch Sử Trung_Thành,_Nông_Cống

Làng Mưng (thôn 3) có tên chữ là Côn Sơn thuộc xã Thanh Nê, tổng Cổ Định, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Nay là thôn Côn Sơn, thuộc xã Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.Làng nằm ở ngay sườn núi phía Tây núi Nưa, ở trung tâm làng có núi Mưng (Côn Sơn) sừng sững. Hình thế của làng là sự xen lẫn của núi, sông Lãng và Ngàn Nưa tạo nên một cảnh sắc “non nước hữu tình”. Đặc biệt, làng Mưng còn lưu giữ đậm nét các giá trị lịch sử - văn hóa của vùng đất và con người nơi đây qua hàng ngàn năm.

Từ xa xưa, làng Mưng đã nằm trong vùng đất trung tâm (vùng Cầu Quan), nơi đặt lỵ sở của huyện Nông Cống tới tận năm 1982.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, làng Mưng luôn gắn liền với mọi biến cố lịch sử trên vùng đất Nông Cống. Cùng với Ngàn Nưa (Triệu Sơn), nhân dân làng Mưng đã tham gia cuộc khởi nghĩa vào năm 248 do nữ anh hùng Triệu Thị Trinh khởi xướng. Đến thế kỷ VII, khi Lê Ngọc (Thái thú quận Cửu Chân) chống lại nhà Đường, đã được nhân dân Thanh Hóa, trong đó có làng Mưng hết lòng ủng hộ, chứng cứ ghi nhận được thể hiện ở hàng trăm ngôi đền thờ Đức Thánh Lưỡng Ngũ vị (tức 5 cha con Lê Ngọc) suốt từ Đông Sơn, Triệu Sơn đến Nông Cống... Riêng làng Mưng, đền thờ Tam Xung Tá Quốc, người con trai thứ tư của Lê Ngọc có nhiều công tích được coi là đền lớn nhất, liệt vào hàng “Quốc tế” suốt thời phong kiến. Nhân dân nơi đây đã hết sức khâm phục, kính trọng cha con Lê Ngọc với hành động chống lại nhà Đường.

Trải qua các thời kỳ lịch sử từ Lý - Trần - Lê - Nguyễn, làng Mưng đều có sự đóng góp đáng kể cho lịch sử dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, làng Mưng trở thành điểm sáng trong phong trào Cần Vương chống Pháp của huyện lỵ Nông Cống (nửa sau thế kỷ XIX). Đó là đóng góp của nhân dân làng Mưng trong trận đánh đồn Mưng của nghĩa quân Cần Vương. Và cùng với nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 toàn thắng, thống nhất đất nước.

Xã này nằm bên tuyến kênh Nhà Lê, là tuyến đường thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam từ kinh đô Hoa Lư đến Đèo Ngang và được xem là tuyến đường Hồ Chí Minh trên sông vì những đóng góp cho các cuộc chiến tranh của người Việt.